- Bốn lần trao giải, ba lần đạo tặc lên ngôi.
- Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi: tiêu cực.
- Ai cũng hiểu chỉ vài người không hiểu.
- Lại sẽ chìm xuồng?
Cuộc thi thường niên Trí tuệ Việt Nam(TTVN) đã lên năm và rõ ràng còn lâu lắm mới trưởng thành.
Bốn lần trao giải, ba lần đạo tặc lên ngôi
Sau thành công rực rỡ của lần tổ chức đầu tiên năm 2000, uy tín và danh tiếng của TTVN đã tăng lên rõ rệt trong giới công nghệ thông tin (CNTT) VN. Thông tin về thí sinh và sản phẩm đoạt giải xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là tín hiệu đáng mừng, giới trẻ say mê tin học tại VN đã có một sân chơi đầy thử thách để thử sức mình. Tuy nhiên, danh và lợi quá lớn đã làm lóa mắt một vài thanh niên trẻ tuổi, hiếu thắng.
|
Phạm Huy Hoàn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Trí tuệ Việt Nam và sau khi bị tẩy chay đã được Vương Vũ Thắng mời về làm TBT báo Dân trí và tiếp tục trò cũ với tên mới "Nhân tài đất Việt" |
Năm 2001,
Vương Vũ Thắng biến hóa sản phẩm mã nguồn mở, miễn phí Snitz Forum (www.snitz.org) thành một sản phẩm có tên gọi khá kêu: “
Hệ thống thông tin VietNet và ứng dụng tại mạng TTVNOnline”. Khi thấy sản phẩm này đăng kí dự thi TTVN, với khẩu hiệu lúc đó là “Chỉ cần một ý tưởng sáng tạo”, chúng tôi đã rất ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên nhanh chóng chuyển sang giận dữ khi đêm chung kết, sản phẩm này được trao giải thưởng cao nhất. Sự sáng tạo ở đâu? Trí tuệ Việt Nam ở đâu? Và chỉ vài tháng sau khi đoạt giải, mạng TTVNOnline buộc phải ngừng hoạt động vì tuyên truyền nội dung phản động.
Bước sang năm 2002, VietKey Linux, lại một sản phẩm Việt hóa từ RedHat Linux đường hoàng lên ngôi đầu của cuộc thi đại diện cho trí tuệ của giới trẻ VN. Sau đó VietKey Linux đã được tung hô dữ dội trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, người ta ca ngợi đây là một thành quả vĩ đại của giới CNTT VN, khi lần đầu tiên chúng ta có được một hệ điều hành “made in VN”, mấy ai biết rằng gói phần mềm soạn thảo tin học văn phòng thuần Việt là bản dịch của phần mềm Openoffice của hãng Sun Microsystem, gói trình duyệt Web thuần Việt là bản dịch của phần mềm Mozilla, một phiên bản mã nguồn mở của trình duyệt Nescape hãng AOL, gói giao diện desktop thuần Việt là bản dịch của phần mềm mã nguồn mở KDE, gói công cụ cài đặt thuần Việt cũng chỉ là bản dịch của phần mềm anaconda hãng RedHat. Tóm lại toàn bộ VietKey Linux chỉ đơn thuần là một phiên bản đã được địa phương hóa của RedHat Linux.
Việc iCMS đoạt giải nhất TTVN 2003 đã làm bùng nổ rất nhiều cuộc tranh cãi dữ dội về nguồn gốc của sản phẩm này. Rất nhiều ý kiến cho rằng iCMS chẳng qua là một chương trình portal mã nguồn mở, không thể đại diện cho nền CNTT VN. Tuy nhiên, do không có cơ hội tiếp xúc mã nguồn của iCMS, tất cả các ý kiến phản bác đều không có tác dụng, nhất là khi công ti truyền thông Việt Nam VinaComm tuyên bố bỏ ra 10 tỉ đồng VN để mua lại sản phẩm iCMS. Cho đến những ngày gần đây, nguồn gốc của iCMS mới được xác định, và một lần nữa, “Việt hóa” đã lên ngôi. Đã có bằng chứng cho thấy iCMS có mã nguồn, cấu trúc thư mục và cách thiết kế database giống 100% phần mềm nguồn mở CMS.NET(http://sourceforge.net/projects/cmsnet).
Trong lĩnh vực công nghệ phần mềm có một câu nói rất nổi tiếng ``Đừng cố phát minh lại cái bánh xe``. Việc thừa kế và sử dụng lại các đoạn chương trình có sẵn để phát triển sản phẩm của riêng mình là kĩ năng rất cần thiết cho một người lập trình viên. Cung cấp mã nguồn để cùng nhau phát triển cũng là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng mã nguồn mở.
Điều đáng buồn và là điểm chung của ba sản phẩm trên là các tác giả đã cố ý “đạo” phần mềm, không hề tuân theo đúng theo tinh thần mã nguồn mở, không hề đề cập, ghi credit cho những lập trình viên nguồn mở, cố ý mập mờ, đánh lận con đen, đánh lừa ban tổ chức TTVN và hàng triệu người VN khác, tạo ra một giá trị ảo về trí tuệ Việt Nam. (Vietkey Linux sau những phản đối dữ dội đã cung cấp mã nguồn của mình)
Chúng ta hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng lại các phần mềm có sẵn,Việt hóa để xây dựng một những sản phẩm dành cho người Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn những sản phẩm Việt hóa này không thể đại diện cho Trí tuệ Việt Nam, không thể đại diện cho cả nền CNTT VN.
Đạo văn, đạo nhạc rồi đạo cả phần mềm
Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ?.
Bao nhiêu sản phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi TTVN những năm qua có ứng dụng vào thực tế xứng đáng với tầm cỡ cuộc thi? Quá ít, đếm đầu ngón tay còn chưa hết.Thậm chí đa số chúng ta còn không thể nhớ được năm ngoái những sản phẩm nào đoạt giải bởi đơn giản sau khi được tôn vinh, những sản phẩm này nhanh chóng “tàng hình” mãi mãi. Thử cùng chúng tôi điểm lại những sản phẩm đoạt giải rồi tàng hình xem.
Chúng ta bắt đầu từ năm 2001, thời điểm cuộc thi TTVN đã thu hút được sự chú ý của xã hội. Có tất cả 15 sản phẩm vào chung khảo, ví dụ “tàng hình” như: hệ thống thông tin phòng chống thảm họa qua Internet, Xác định kích thước vật thể thông qua hình ảnh, Website Sea Games 2003, Visa.NET, Hệ thống Sniffer, Chợ bất động sản ảo, Smart Scheduler...
Năm 2002, có 13 sản phẩm lọt vào chung khảo, vài ví dụ “tàng hình” như: Điện khí tập trung nhà ga, Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Tem thương mại điện tử, Website Chào Việt Nam, Tool for pupils...
Năm 2003, vài ví dụ “tàng hình”: Corridor, Hệ thống cổng điện thoại học đường 3i, Hệ thống hỗ trợ theo dõi sức khỏe cộng đồng (QSK_03), Game ``Tướng quân``....
Những sản phẩm này giờ đang lưu lạc phương nào? Đã được ứng dụng tại đâu? Đem lại những lợi ích gì cho xã hội? Hay chỉ đơn giản làm ra để dự thi TTVN, đoạt giải rồi cất xó?
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi: Tiêu cực
Sự kiện nóng bỏng nhất trong mấy ngày vừa qua là thông tin Vương Vũ Thắng đã “chạy” để đưa iCMS lên ngôi vị số một ở cuộc thi năm ngoái, và năm nay nhân vật này cũng có ý định tiếp tục “chạy” với sản phẩm lần này là FES (Fanxipan Ecommerce System).
|
Vương Vũ Thắng kẻ được giới IT mệnh danh "tài năng có hạn nhưng thủ đoạn có thừa" |
Về iCMS, có rất nhiều bằng chứng cho thấy các thành viên phát triển iCMS đều đã làm việc tại công ti VinaComm trước khi tham gia TTVN 2003. Theo website của Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội, Nguyễn Công Kha, trưởng nhóm iCMS, có tên trong danh sách ba thành viên sáng lập ra công ti VinaComm. Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh vào điểm này vì các thành viên iCMS (nay là nhân viên của VinaComm) luôn khẳng định sản phẩm iCMS trước khi được mua lại với giá 10 tỉ đồng, hòan toàn không liên quan gì đến VinaComm nói chung và giám đốc Vương Vũ Thắng nói riêng(!?!). Một kịch bản được nhanh chóng được dàn dựng. Nguyễn Công Kha cùng với những thành viên khác đem iCMS đi thi, Vương Vũ Thắng vận động hậu trường, “chạy” giải thưởng cho iCMS. Kết quả iCMS đoạt giải nhất, VinaComm liền ra quyết định bỏ ra 10 tỉ đồng VN để “rửa” iCMS, hợp thức hóa sản phẩm này. Một lớp kịch quá tệ với những diễn viên tồi.
Về FES, một lần nữa Vương Vũ Thắng và VinaComm mang lớp kịch cũ ra tái diễn. Lần này còn thuận lợi hơn, khi Vương Vũ Thắng trực tiếp được Ban tổ chức TTVN giao nhiệm vụ chấm vòng sơ khảo cho sản phẩm FES, “con hát mẹ khen hay”. Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, cho đến trước khi có những khiếu nại xung quanh vụ việc này, sản phẩm FES đã có tên trong danh sách 15 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo. Và sản phẩm này chỉ bị loại bỏ khỏi Top 15 sau khi xuất hiện những khiếu nại của bạn Nguyễn Ngọc Xuân.
“Chạy” quota, “chạy” dự án, rồi “chạy” luôn giải thưởng trí tuệ. Ai cũng hiểu chỉ vài người không hiểu
Đây là một vấn đề tế nhị nhưng cần phải được nhắc đến bởi lẽ chưa có cuộc thi nào gây nhiều tranh cãi như TTVN: năng lực của ban giám khảo TTVN như thế nào? Từ năm 2001 đến nay, ba sản phẩm đoạt giải nhất đều gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới CNTT VN. Một điều rõ ràng là các sản phẩm này không làm cho chúng ta tâm phục, khẩu phục. Và hơn nữa, như đã phân tích ở trên, cả ba sản phẩm đoạt giải nhất đều mập mờ, cố ý che dấu nguồn gốc của mình, công tâm mà nói, công sức lớn nhất của những người tham gia phát triển các sản phẩm đó chỉ tập trung vào phần dịch thuật, Việt hóa các sản phẩm mã nguồn mở. Rất nhiều người thấy và biết rõ những điều này nhưng chỉ riêng ban giám khảo TTVN là không thấy và không biết.
Thành phần Ban giám khảo đều là những vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành CNTT, nhưng vấn đề đặt ra là liệu ban giám khảo TTVN có đi kịp thời đại, đi kịp cùng với công nghệ và những thay đổi vũ bão trong ngành kinh tế mũi nhọn này? Mong ban tổ chức TTVN nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề này. Lại sẽ chìm xuồng?
Trước những chứng cứ không thể chối cãi về hành vi gian lận, sử dụng sản phẩm mã nguồn mở mà không khai báo của iCMS, cũng như những biểu hiện tiêu cực rõ như ban ngày của Vương Vũ Thắng và VinaComm, câu hỏi đặt ra là ban tổ chức TTVN sẽ xử lí như thế nào?
Thành viên graffiti, tại diễn đàn TTVN(www.ttvn.com.vn) có đặt hai câu hỏi như sau:
-Nếu như lúc vào chung khảo mới phát hiện ra một sản phẩm không trung thực thì lúc đó ban tổ chức có đủ can đảm loại sản phẩm đó không?
-Nếu như tận sau khi đã trao giải thưởng và phát hiện một sản phẩm đoạt giải không trung thực, ban tổ chức có đủ can đảm tước bỏ giải thưởng của sản phẩm đó và công bố rộng rãi trên báo chí, truyền hình không?
Và anh Vũ Mạnh Cường, đại diện thường trực BTC TTVN 2004, đã trả lời như sau:
-Các bạn hỏi nếu trong số 15 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo, đến giờ chót phát hiện ra những sản phẩm mượn code, nhưng không khai báo, thì BGK có dám loại không? Chúng tôi trả lời: CÓ. Thực tế, cuộc thi năm ngoái, BGK đã loại 2 sản phẩm như vậy.
-Các sản phẩm đoạt giải nếu sau đó được phát hiện ăn cắp code hoặc chất xám, BTC cũng sẵn sàng tước giải, nếu những cáo buộc về chuyện ăn cắp được chứng minh.
Rất mong ban tổ chức TTVN làm đúng và làm ngay tức khắc như những gì mình đã nói. Hiện tại bằng chứng về những vụ việc kể trên đã được phát tán rộng rãi trên khắp các diễn đàn từ www.ttvn.com.vn đến www.diendantinhoc.com, do đó nếu vụ việc này không được xử lí thích đáng thì có thể khẳng định TTVN sẽ bị tẩy chay trong cộng đồng CNTT VN.
Mrro