Đến với làng nghề Sơn Đồng là du khách đến với thế giới của “Đồ thờ, tượng phật“. Khung cảnh của Làng Nghề Sơn Đồng hôm nay sầm uất chẳng khác gì thị trấn ở phố huyện, với không khí nhộn nhịp, vội vã, các nhà hàng ăn uống, dịch vụ kinh doanh, biển hiệu công ty san sát hai bên đường. Với hơn 80% số dân làm nghề truyền thống, Làng Nghề Sơn Đồng nổi bật nhất là khu vực “Xóm ngã tư” với những biển hiệu sơn son thếp vàng gắn với tên tuổi của các nghệ nhân có tiếng trong làng, với những sản phẩm ăn sâu trong thế giới tâm linh của người dân như những pho A-di-đà, Di lặc, thần Tài, hoành phi câu đối…
Làng nghề Sơn Đồng có lịch sử phát triển từ cách đây hơn một ngàn năm. Các dấu ấn vật thể 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đều có đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Sơn Đồng tham gia như Văn miếu Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột…
Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng trong thời kỳ phong kiến có hàng trăm người thợ được phong Tước bá hộ kỹ nghệ (nay gọi là nghệ nhân), làng nghề cũng từng bị mai một vào những năm kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp, nhưng sau đó đã được các nghệ nhân Nguyễn Đức Dậu và Nguyễn Đức Cường khôi phục vào năm 1983. Với tình yêu nghề của cha ông, ý thức trách nhiệm với thế hệ con cháu trong làng, Cụ Nguyễn Đức Dậu, nghệ nhân từ thời thuộc Pháp đã quyết định khôi phục nghề truyền thống bằng việc đứng ra tổ chức lớp học nghề chạm khắc gỗ và sơn mài, cốt là để truyền nghề cho con cháu. Hơn 30 học viên ngày đó, bây giờ đã trở thành những người thợ giỏi, chủ cơ sở sản xuất lớn trong làng và đang tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, nghề truyền thống của làng chủ yếu mang tính gia truyền bằng miệng, chứ không có sách vở nào, bố truyền cho con, con truyền cho cháu, cứ thế nối tiếp thế hệ trước cho thế hệ sau. Trải qua những thăng trầm để tồn tại một làng nghề nghìn năm tuổi, ngày nay, người dân Sơn Đồng đã lấy ngày 6-2 âm lịch hàng năm là ngày hội làng, con cháu ở khắp nơi về sum họp, tế lễ thành hoàng làng.
Hiện nay, cả xã có hơn 4.000 nghìn lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần toàn quốc về “đồ thờ và tượng phật” phục vụ mảng đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Điều đáng nói là khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được ngay mà không cần mẫu sinh kề (mẫu có sẵn). Các pho tượng đều trở nên có hồn qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Để làm được điều đó, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, hiểu được các điển tích, tính cách, chức vụ, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức để rồi thổi hồn vào các tác phẩm.
Tiếng thơm vang xa:
Thành quả mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau bao ngày đêm miệt mài bên xưởng gỗ là tiếng thơm không chỉ vang danh khắp mọi miền tổ quốc, mà còn vang xa tới nhiều quốc gia trên thế giới, nhắc đến tượng Phật là người ta nghĩ ngay đến Sơn Đồng. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng nghề Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi độ tinh xảo cao như:
Tiếng thơm vang xa:
Thành quả mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau bao ngày đêm miệt mài bên xưởng gỗ là tiếng thơm không chỉ vang danh khắp mọi miền tổ quốc, mà còn vang xa tới nhiều quốc gia trên thế giới, nhắc đến tượng Phật là người ta nghĩ ngay đến Sơn Đồng. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng nghề Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi độ tinh xảo cao như:
- Bức tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt
- Tượng ông Thiện, ông Ác
- Tượng La Hán, kiệu bát cống
Đi đến đâu trong cả nước, du khách đều bắt gặp các tượng thờ do người thợ Sơn Đồng chế tác. Một nghệ nhân cao niên tự hào là người đã tạc được hàng trăm pho tượng có giá trị cung cấp cho các chùa Quán Sứ, Liên Phái, Trấn Quốc, Hương Ký (Hà Nội), chùa Hương, chùa Trăm Gian (Hà Tây cũ) và nhiều chùa khác trên mọi miền tổ quốc.
Về Sơn Đồng hôm nay, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình chế tác tượng và được hòa mình trong bản “bản nhạc” làng nghề với tiếng lách cách của người thợ đục tượng, tiếng máy cưa xoèn xoẹt âm vang khắp ngõ xóm. Quả thực, khi được chứng kiến thì mới thấy hết nỗi vất vả, khó nhọc của người thợ, khi mỗi tác phẩm nghệ thuật hoàn thành đều ẩn chứa trong đó mồ hôi, trí tuệ của những người thợ chân đất. Nhiều người dân Sơn Đồng hôm nay phải thốt lên rằng, chính cái nghề nghìn năm tuổi của cha ông đã giúp họ làm giàu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, trong khi đồng đất đang bị thu hẹp bởi tốc độ đô thị hóa cao. Bà con vẫn thầm cảm ơn các nghệ nhân đã góp phần khôi phục làng nghề, có những hộ làm nghề từ nhiều đời nay đã viết tiếp trang sử làng nghề Sơn Đồng mà người ta không thể không nhắc tới như nghệ nhân:
- Nguyễn Viết Thạc
- Nguyễn Bá Khẩn
- Trần Quang Khang
Có những người thợ năm xưa nay đã trở thành những ông chủ xưởng lớn của làng, với 3 xưởng sản xuất, hoạt động quanh năm lúc nào cũng có từ 40 – 50 thợ làm thuê, đáng kể như các ông :
- Nguyễn Chí Quảng
- Nguyễn Chí Dũng
- Trần Đình Cường
- Nguyễn Viết Hồng
Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề Sơn Đồng những năm gần đây đồng nghĩa với nhu cầu về mặt bằng sản xuất phải được mở rộng hơn nữa. Không ít hộ muốn mở rộng sản xuất nhưng do không có đất nên đành “lực bất tòng tâm”. Vì vậy, để duy trì và phát triển làng nghề SơnĐồng có tính bền vững, chính quyền các cấp cần quy hoạch làng nghề, tạo điều kiện hơn nữa cho các hộ dân mở rộng sản xuất, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước, tạo việc làm ổn định cho người lao động trong xã. Nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng mong muốn những chính sách khuyến khích, hướng dẫn phát triển làng nghề đi vào cuộc sống của làng nghề cần hiệu quả hơn nữa. Các văn bản hướng dẫn cần cụ thể, chi tiết hơn, để người lao động làm nghề tiếp cận được các chính sách hỗ trợ và phát triển làng nghề.